8 BỆNH VỀ MÁU KHÔNG THỂ BỎ QUA
Các thành phần chính của máu là hồng cầu (RBC), bạch cầu (WBC), tiểu cầu và huyết tương. Hồng cầu chịu trách nhiệm vận chuyển oxy tới các mô trong cơ thể, bạch cầu giúp chống nhiễm trùng. Tiểu cầu giúp cho quá trình đông máu và do vậy ngăn chặn máu chảy nhiều trong trường hợp bị chấn thương. Bất cứ rối loạn nào trong những thành phần này và hoạt động của chúng đều có thể dẫn tới mất cân bằng thể chất nghiêm trọng. Một số loại rối loạn máu không phải là ung thư, trong khi một số có thể dẫn tới ung thư máu. Ngoài những thành phần này của máu, bất cứ sự mất cân bằng nào của tủy xương, thành phần protein trong máu, mạch máu, hạch bạch huyết cũng được coi là gây rối loạn máu.
Các triệu chứng phổ biến của rối loạn máu là mệt mỏi thường xuyên, yếu cơ, có vấn đề về vận chuyển khí oxy tới não, tim đập nhanh, khó thở….bạn có thể đi khám bác sĩ khi thấy những triệu chứng này. Dưới đây là những loại bệnh/rối loạn về máu:
1. Thiếu máu do thiếu sắt
Đây là một trong những loại thiếu máu phổ biến nhất, xảy ra khi cơ thể bị thiếu sắt dẫn đến không đủ sản sinh hồng cầu để cung cấp cho cơ thể. Tùy vào mức độ thiếu sắt, tình trạng thiếu máu có thể từ nhẹ đến nặng. Khi bị thiếu máu nặng bạn có thể bị đau người, khó thở, da xanh xao và mệt mỏi.
Đối tượng hay bị thiếu máu nhất là phụ nữ trong giai đoạn mang thai do nhu cầu máu tăng cao gấp 1,5 lần so với bình thường. Trong giai đoạn này, ngoài việc bổ sung các viên vitamin tổng hợp, chị em nhất thiết phải bổ sung viên sắt để đảm bảo lượng máu dồi dào nuôi thai nhi. Ngoài ra, thanh thiếu niên trong giai đoạn từ 14-18 tuổi cũng là đối tượng cần bổ sung sắt do nhu cầu phát triển vượt bậc mạnh mẽ của cơ thể.
2. Thiếu máu hồng cầu hình liềm
Đây là một bệnh di truyền xảy ra do rối loạn của tế bào hồng cầu. Tình trạng này xảy ra nhiều hơn với các gia đình đến từ Nam và Trung Mỹ, châu Phi, Ấn Độ, Quần đảo Caribe, và Ả rập sau-đi. Do bệnh này, tế bào hồng cầu trở nên cứng và dầy và làm cản trở lưu thông máu.
3. Thiếu máu do tan máu bẩm sinh (Thalassemia)
Nguyên nhân của Thalassemia là cấu tạo bất bình thường của hemoglobin trong hồng cầu. Hai thể dạng bất thường chính được gọi là alpha-Thalassemia và beta -Thalassemia, tùy theo phần nào của chất hemoglobin bị thiếu. Thể nặng nhất của Thalassemia là alpha-thalassemia, thấy nhiều nhất trong các sắc dân ở Đông Nam Á, Trung Quốc và bệnh thường làm hư thai hay khiến trẻ con chết khi sinh. Phần lớn những người có bệnh alpha-thalassemia bị thiếu máu kinh niên - một số bị nặng trầm trọng, không sống được lâu.
4. Bệnh bạch cầu
Đây là một dạng ung thư máu, xảy ra khi tế bào bạch cầu trở thành ác tính và sản sinh nhanh trong tủy xương. Bệnh bạch cầu cấp là tình trạng nghiêm trọng và diễn biến nhanh, trong khi bạch cầu mạn tiến triển chậm hơn. Hóa trị và ghép tế bào gốc là các phương pháp điều trị chính với bệnh này.
5. Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch
Các bệnh về máu cũng bao gồm các rối loạn tiểu cầu. Nếu số lượng tiểu cầu giảm trong máu và bạn bị bầm tím và chảy máu, có thể là bạn đang bị xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch.
6. Loạn sản tủy
Đây là một loại ung thư máu khác tấn công tủy xương và nó là một trong những rối loạn máu làm giảm số lượng bạch cầu. Loạn sản tủy là bệnh mạn tính, tiến triển chậm và đột ngột, sau đó thường trở thành bệnh bạch cầu. Bệnh nhân có thể được chữa khỏi nếu được ghép tế bào gốc, truyền máu và hóa trị.
7. Rối loạn đông máu
Mọi rối loạn tiểu cầu đều có thể cản trở khả năng đông máu. Do vậy, bệnh nhân bị các rối loạn tiểu cầu có thể bị chảy máu quá nhiều hoặc đông máu quá mức. Nếu hình thành các cục máu động, cần sử dụng các thuốc chống đông máu.
8. Sốt rét
Sốt rét là do muỗi đốt. Tuy nhiên, đây là một trong những rối loạn máu tấn công tế bào hồng cầu. Hồng cầu bị vỡ gây sốt cao, tổn thương các cơ quan và rét run. Bệnh cần được điều trị sớm, nếu không có thể gây tử vong.